Những Sáng Chế Giúp Cuộc Sống Của Con Người Dễ Dàng Hơn: Sợi Quang Học, Tin Nhắn, Máy Nghe Nhạc MP3

1. Sợi quang học đã ra đời như thế nào?

Sợi quang học là một loại sợi trong suốt, linh hoạt làm từ silica hoặc chất dẻo, hơi dày hơn sợi tóc người, được sử dụng chủ yếu để truyền ánh sáng giữa hai đầu Sợi. Hệ thống truyền dữ liệu bằng sợi quang có khả năng hoạt động đầu tiên được giới thiệu bởi nhà vật lí người Đức Manfred Börner vào năm 1965. Tuy nhiên, để sợi quang trở thành một phương tiện truyền dữ liệu có hiệu quả trên thực tế thì độ suy giảm của nó phải dưới mức 20dB/km. Giới hạn này lần đầu tiên đạt được vào năm 1970 bởi các nhà nghiên cứu Robert D. Maurer, Donald Keck, Peter C. Schultz và Frank Zimar. Họ đã tạo ra loại Sợi có độ suy giảm 17dB/km và vài năm sau đó là 4dB/km.

Việc phát minh ra sợi quang đã cách mạng hóa ngành viễn thông bởi nó có khả năng truyền dữ liệu với tốc độ cao, khoảng cách xa và chất lượng tốt hơn so với cáp điện.

2. Ai là người đã sáng chế ra tin nhắn?

Khái niệm tin nhắn văn bản được phát triển bởi kĩ sư người Đức Friedhelm Hillebrand và kĩ sư người Pháp Bernard Ghillebaert vào năm 1985. Tin nhắn văn bản đầu tiên được gửi đi vào năm 1992 bởi Neil Papworth. Thời đó, điện thoại di động không có bàn phím. Vì vậy, Papworth phải gõ tin nhắn trên máy tính cá nhân của mình. Tin nhắn với nội dung “Merry Christmas” (Giáng sinh vui vẻ) đã được gửi thành công tới Richard Jarvis qua mạng Vodafone.

Ban đầu, điện thoại di động không hỗ trợ chức năng nhắn tin văn bản. Nokia là nhà sản xuất thiết bị thu phát tín hiệu cầm tay đầu tiên ra mắt những chiếc điện thoại hỗ trợ người dùng gửi tin nhắn văn bản vào năm 1993. Họ cũng là đơn vị đầu tiên sản xuất ra điện thoại di động với bàn phím hoàn chỉnh vào năm 1997.

Khi việc sử dụng điện thoại di động gia tăng, các nhà mạng ban đầu không chú ý đến dịch vụ tin nhắn văn bản mà tập trung vào các dịch vụ thoại, trình duyệt WAP và ứng dụng Internet. Nhưng họ đã bị sốc bởi sự mở rộng nhanh chóng của việc sử dụng tin nhắn văn bản và ngay lập tức phát triển mảng dịch vụ này.

3. Máy nghe nhạc MP3 đầu tiên được phát minh ra vào thời gian nào?

Máy nghe nhạc MP3 là một thiết bị điện tử có thể phát các tệp âm thanh kĩ thuật số. Đầu thập niên 1990, Hiệp hội Frauenhofer của Đức đã phát triển máy nghe nhạc MP3 đầu tiên nhưng không thành công. Năm 1997, nhà lập trình người Croatia Tomislav Uzela đã chế tạo AMP – máy nghe nhạc MP3 thành công đầu tiên trên thế giới.

Trong năm sau đó, công ty SaeHan Information Systems của Hàn Quốc đã cho ra mắt máy nghe nhạc MPMan. Đây là máy nghe nhạc MP3 cầm tay chỉ sử dụng bán dẫn được sản xuất hàng loại đầu tiên trên thế giới. Nhìn chung, máy nghe nhạc MP3 thường có kích cỡ nhỏ gọn, sử dụng pin có thể thay thế và dùng cùng với tai nghe.


Call Now
Call Now