1. Chiếc dây thừng đầu tiên được ra đời ở đâu?
Việc phát minh ra dây thừng đã đặt nền móng cho sự phát triển của các hệ thống kết nối phức tạp hơn. Vậy bạn có đoán được tuổi đời của dây thừng không?

Chiếc dây thừng đầu tiên được cho là ra đời vào khoảng 28.000 năm trước tại châu Âu. Tuy nhiên, người Ai Cập cổ đại có lẽ mới là những người đầu tiên tạo ra các dụng cụ riêng biệt để làm dây thừng. Dây thừng Ai Cập có niên đại vào khoảng 4.000 – 3.500 năm TCN, được làm bằng sợi cây sậy, lá cỏ và lông thú. Vào thời đó, người ta bện hoặc xoắn dây thừng bằng các công cụ cầm tay đơn giản như cái que và hòn đá. Những người thợ thời xa xưa buộc một hòn đá vào đầu một cái que rồi quay tròn để bện các sợi vào với nhau, tạo thành dây thừng.
2. Chất màu nhân tạo đầu tiên xuất hiện vào thời gian nào?
Các chất màu tự nhiên đã được sử dụng để vẽ tranh hang động từ 40.000 năm trước. Tuy nhiên, lượng màu được sử dụng ở đây rất nhỏ. Người Ai Cập cổ đại đã sản xuất và sử dụng chất màu trên quy mô lớn. “Màu xanh Ai Cập được xem là chất màu nhân tạo đầu tiên trên thế giới, được sử dụng từ khoảng năm 3.000 TCN. Sau đó nó bị thay thế bởi chất màu thủy tinh xanh và chất màu coban.
Người Trung Quốc sử dụng chu sa (chất tạo màu đỏ đậm) từ khoảng 5.000 – 4.000 năm TCN. Khoảng 2.000 năm sau, người La Mã mới bắt đầu sử dụng chất màu này. Đóng góp chính của người Hi Lạp vào bảng màu là sản xuất ra chì trắng và nó được dùng để làm màu trắng khi vẽ. Đây cũng được xem là một trong những chất màu đẹp nhất mà con người từng làm ra.
3. Thời tiền sử con người bảo quản thực phẩm như thế nào?
Hầu hết thực phẩm bị hỏng rất nhanh và mất đi mùi vị ban đầu của chúng. Để điều này không xảy ra, người ta sử dụng chất bảo quản. Phương pháp bảo quản cổ xưa nhất là hun thịt bằng khỏi từ bếp lửa. Khói sẽ làm khô thịt và đồng thời ngăn vi khuẩn phát triển. Phơi khô trái cây và rau quả dưới ánh nắng mặt trời cũng là một cách làm phổ biến.
Người Ai Cập cổ đại sử dụng các loại gia vị và giấm để bảo quản. Họ đã khám phá ra phương pháp bảo quản theo một cách rất kì lạ. Họ nhận thấy rằng khi chôn người chết trong cái nóng trên sa mạc, cát sẽ hút nước từ xác người và giữ cho xác không bị phân hủy. Họ cũng dùng phương pháp tương tự để bảo quản thực phẩm và gọi đó là “phương pháp khử nước”.
Muối và đường được dùng với lượng lớn cũng giúp ngăn ngừa các vi sinh vật. Mứt chính là một ví dụ cho phương pháp bảo quản này, thịt và cá muối cũng vậy.