1. Ai là người đã phát minh ra xe lam?
Xe lam là một phương tiện giao thông phổ biến ở nhiều quốc gia và thường có ba bánh. Nó có thể được sử dụng làm phương tiện cá nhân hoặc cho thuê. Xe lam được phát triển từ xe kéo truyền thống hay xe xích lô theo hướng cơ giới hóa.
Năm 1947, Corradino D'Ascanio, nhà thiết kế của hãng xe Piaggio, đồng thời là cha đẻ của dòng xe Vespa, đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc xe thương mại ba bánh hạng nhẹ để phục vụ công cuộc tái thiết kinh tế sau chiến tranh của Ý. Xe Piaggio Ape đã ra đời từ ý tưởng đó. Tại Đông Nam Á, xe lam bắt đầu được sử dụng phổ biến khi hãng xe Daihatsu đưa dòng xe giá rẻ Daihatsu Midget ra thị trường vào năm 1957. Ở Nhật Bản, xe lam được sử dụng từ những năm 1960.
Xe lam là loại xe thùng nhỏ có 3 bánh xe, một bánh trước và hai bánh sau. Cabin cho tài xế ngồi lái ở phía trước và thùng xe để chở khách hay chở hàng ở phía sau, có thể chở từ 8 đến 10 hành khách. Dưới ghế ngồi của tài xế là thùng đặt máy xe. Thiết kế ba bánh giúp xe có thể đổi hướng dễ dàng. Xe lam có thể đạt vận tốc tối đa khoảng 50km/h và vận tốc trung bình 35km/h, chậm hơn nhiều so với ô tô. Tuy vậy, nó vẫn được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á và một phần châu Âu, đặc biệt là Ý.
2. Hội nghị truyền hình đã ra đời như thế nào?
Hội nghị truyền hình là hình thức tiến hành hội nghị giữa hai hay nhiều người ở các địa điểm khác nhau bằng cách sử dụng mạng máy tính để truyền dữ liệu âm thanh và hình ảnh. Quá trình này cho phép mọi người đồng thời nhìn thấy và nghe thấy nhau như đang cùng ngồi trong một phòng họp. Ý tưởng về hội nghị truyền hình đã được hình thành từ những năm 1950. Trải qua hơn 6 thập kỉ, quá trình này đã có rất nhiều đổi mới và tiến bộ.
Năm 1956, AT&T đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng một hệ thống có thể truyền hình ảnh hai chiều. Hệ thống này được gọi là “Điện thoại hình ảnh” (Picturephone). Nó cho phép các bên tham gia giao tiếp trò chuyện với nhau và hình ảnh ở dạng tinh của họ sẽ được cập nhật hai giây một lần. Trong Hội chợ Thế giới ở New York năm 1964, AT&T đã giới thiệu phiên bản sửa đổi của hệ thống này tới những người tham dự hội chợ.
Năm 1970, dịch vụ Picturephone đã được đưa vào khai thác thương mại tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mĩ. Tuy nhiên, dịch vụ này quá đắt đỏ nên hầu hết mọi người không có khả năng sử dụng. Ngoài ra, các thiết bị cũng khá cồng kềnh và khó sử dụng, quan trọng hơn nữa là hình ảnh được truyền đến hai đầu rất nhỏ và mờ. Theo thời gian, hội nghị truyền hình dần được cải tiến về thiết bị và công nghệ để có được diện mạo như chúng ta thấy ngày nay.
3. Internet đã có từ khi nào?
Việc phát minh ra Internet là nỗ lực của một nhóm cá nhân, bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh tiến bộ công nghệ giữa Mĩ và Liên Xô trong thời kì chiến tranh lạnh. Để đáp trả sự kiện ngày 4 tháng 10 năm 1957, Liên Xô phóng Sputnik 1 – vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới – vào vũ trụ, chính phủ Mĩ đã thành lập ARPA (Advanced Research Projects Agency – Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu tiên tiến) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mĩ vào năm 1958. Việc ARPA ra đời đã đặt ra nhu cầu phải có một cách trao đổi dữ liệu hiệu quả giữa các trường đại học và phòng thí nghiệm.
Dựa trên luận văn của Leonard Kleinrock về “Dòng chảy thông tin trong các mạng lưới truyền thông lớn” (Information Flow in Large Communication Nets) được công bố ngày 31 tháng 5 năm 1961, nhu cầu nói trên đã được Cụ thể hóa bởi J. C. R. Licklider khi ông đề xuất xây dựng một mạng lưới máy tính. Điều này đã tạo nên nền tảng lí thuyết cho việc phát minh ra Internet. Mạng lưới của ông giúp việc trao đổi dữ liệu giữa các máy tính được kết nối với nhau thành hệ thống trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Vì vậy, mạng ARPANet – tiền thân của mạng Internet ngày nay – đã ra đời vào ngày 29 tháng 10 năm 1969. Sau đó, các phát minh nối tiếp nhau đã đem đến những bước tiến lớn cho Internet.