1. Cày thời tiền sử
Xới đất là một khâu rất quan trọng trong canh tác. Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng các công cụ cầm tay để xới đất. Những công cụ cầm tay này về sau đã được phát triển thành những cái cày đơn giản do bò, lạc đà và thậm chí là voi kéo từ khoảng 2.000 năm TCN.
Cày có thể được làm bằng gỗ, sắt, hoặc khung thép với một lưỡi cắt để cắt các lớp đất. Mục đích chính của việc cày là để lật các lớp trên của đất, đưa chất dinh dưỡng mới lên bề mặt, đồng thời chôn lấp cỏ dại, những gì còn sót lại của vụ mùa trước và phá hủy chúng. Khi công nghiệp phát triển, loại cày thủ công sử dụng sức người và động vật dần được thay thế bằng máy cày.
Một điều thú vị là xưa kia ở Anh, luật pháp quy định thợ cày chỉ được sử dụng những chiếc cày do chính tay họ đóng.
2. Nước hoa thời cổ?
Việc làm nước hoa bắt đầu từ 2.000 năm TCN bởi người Ai Cập và Lưỡng Hà. Từ “perfume” (Nước hoa – tiếng Anh) bắt nguồn từ một từ La-tinh là “perfumare”, có nghĩa là “qua khói”.
Theo các nhà sử học, nhà hóa học đầu tiên từng được ghi nhận trên thế giới là một phụ nữ làm nước hoa sinh sống ở Vùng Lưỡng Hà vào thế kỉ 2 TCN, có tên gọi là Tapputi. Bà đã chưng cất hoa, cây thạch xương bồ và dầu với các chất thơm khác rồi lọc và để yên dung dịch này một thời gian để tạo thành nước hoa.
Những loại nước hoa cổ xưa nhất còn tồn tại được các nhà khảo cổ học tìm thấy tại Cộng hòa Síp vào năm 2003, chúng có niên đại hơn 4.000 năm tuổi và được sản xuất tại một nhà máy rộng 300 mét vuông. Chúng được làm từ hoa cùng các loại thảo mộc và gia vị như hạnh nhân, bạc hà, hương đào, rau mùi…
3. Cổng vòm xưa cổ nhất thế giới ở đâu?
Vòm tròn bắt đầu được sử dụng trong kiến trúc từ thiên niên kỉ thứ 2 TCN tại một số nền văn minh thuộc vùng Cận Đông và Levant, nhưng không được sử dụng thường xuyên và hầu hết chỉ giới hạn trong phạm vi các công trình dưới lòng đất, ví dụ như cống thoát nước. Một trong những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi là cổng vòm Canaanite ở thành phố Ashkelon, Israel, có niên đại từ 1.850 năm TCN. Đây được xem là cổng vòm cổ xưa nhất thế giới. Vòm nhọn được tìm thấy ở một số khu vực khác của châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mĩ cổ đại.
Người La Mã đã sử dụng rộng rãi vòm trong các công trình kiến trúc của mình như cầu, cống thoát nước và cổng. Cổng vòm khải hoàn chính là sáng tạo của họ và được sử dụng như một đại kỉ niệm quân sự trong suốt thời gian tồn tại của nền văn minh này.